Sứ điệp cha Bề trên Tổng quyền mừng lễ thánh Anphongsô

Fr-GeneralEstate-Flyer

Prot. N.: 0000   143/2024

Roma, ngày 01 tháng 08 năm 2024

Lễ Thánh Anphongsô Maria de Ligouri

Những thừa sai của Hy Vọng theo Bước chân Chúa Cứu Thế

NĂM DÀNH CHO ĐÀO TẠO VÌ SỨ VỤ

Chính Chúa hướng dẫn ta khơi dậy ân sủng của Thiên Chúa là Đấng ngự trong ta

HP 77-90; QL 050-085; Mt 10,5-15; Lc 9,1-6; 2Tm 1,6

 

Thưa Anh em, Ứng sinh, và Gia Đình Dòng Chúa Cứu Thế thân mến!

1. Chúng ta đang tưởng niệm cái chết của Đấng Sáng lập, vào ngày 01 tháng 08 năm 1787. Đây là một con người giản dị và trí thức với lòng nhiệt thành mục vụ sâu sắc. Đây là một con người đã cống hiến và tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội trong thời đại này. Tinh thần của Thánh Anphongsô vẫn còn sống động trong Giáo Hội và trong Hội Dòng, ngay cả khi ta thường không nhận ra.

2. Trong số nhiều di sản mà Thánh Anphongsô để lại, trong bối cảnh hiện tại, tôi muốn gẫm suy về một di sản đòi hỏi Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta phải thể hiện mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong xã hội và trong Giáo Hội: đó là đào tạo lương tâm. Vào ngày 26 tháng 04 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên phong Thánh Anphongsô làm Bổn mạng các nhà Luân lý và các Cha Giải tội. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, với tư cách là một Hội Dòng và những giáo dân gắn bó với sứ vụ Dòng Chúa Cứu Thế?

3. Để hiểu chủ đề này và hiểu được cống hiến của Thánh Anphongsô, cần phải hiểu bối cảnh tôn giáo mà ngài sống. Đó là một bối cảnh bị chi phối bởi giáo lý về luật khắt khe và bởi ý niệm về một Thiên Chúa cực kỳ xa cách với con người, một Thiên Chúa như là vị thẩm phán xét xử và lên án tội nhân. Từ đó, đã nảy sinh một nền đạo đức sợ bị hư mất và sợ bị kết án trong lửa hỏa ngục. Con người được đánh giá bằng hành động của họ, và luật được áp dụng cho những hành động ấy. Bối cảnh ấy không hề xét đến nhận thức về một Thiên Chúa yêu thương và thương xót có khả năng bỏ lại chín mươi chín con chiên và đi tìm con chiên bị lạc (x. Lc 15,4-7).

4. Đối mặt với thực tế đó, Anphongsô đề xuất một cách tiếp cận khác. Thay vì áp đặt luật khắt khe, ngài tìm kiếm sự trung dung và lòng thương xót. Theo quan điểm của ngài, con người rất mong manh, và ngay cả khi họ phạm tội, họ vẫn được tha thứ bởi tình yêu Thiên Chúa, tình yêu này lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào của con người (x. Rm 5,20). Với cái chết của Ngài, Chúa Giêsu Cứu Thế đã trả hết mọi món nợ mà con người chúng ta đã thừa hưởng từ tội lỗi của Ađam. Sau khi gặp gỡ Chúa của lòng thương xót, qua sự hoán cải và đức tin, đã nhận được ơn tha thứ, thì con người tiếp tục con đường mới của mình. Trong viễn ảnh này, con người không chỉ là hành động của họ, nhưng nhờ ân sủng, họ có thể vượt trên những giới hạn do tội gây ra.

5. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, con người có khả năng hoán cải. Ơn hoán cải này xảy ra vì Thiên Chúa đã chạm đến chiều kích sâu thẳm nhất của con người: đó là lương tâm của họ. Đó là nơi phân định, là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng và thúc đẩy họ tìm kiếm con đường trọn lành. Qua lương tâm, mỗi người có thể đưa ra lựa chọn căn bản và tự do của mình về sự sống hoặc cái chết (x. Đnl 30,19).

6. Lương tâm là cốt lõi nền tảng của con người, như Gaudium et Spes 16 khẳng định: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ.” Chính nơi lương tâm, con người là chính mình.

7. Kinh Thánh sử dụng thuật ngữ “trái tim” để chỉ lương tâm. “Nghe đây, hỡi Israel… hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ” (Đnl 6,4-5). Nói cách khác, bạn phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của bạn trọn cả lương tâm và trọn cả sức sống của bạn. Chính trong sâu thẳm lương tâm của mình, con người kinh nghiệm được vị Thiên Chúa điên cuồng vì tình yêu này, Đấng đã hủy mình, mang lấy thân phận con người và trở thành xác phàm để sống giữa chúng ta và cứu độ chúng ta (x. Ga 3,16; Phl 2,6-11).

8. Lương tâm ở đây không được hiểu theo bối cảnh tâm sinh lý. Nó không loại trừ những khía cạnh ấy nhưng được xác định như một trung tâm tương quan, là nơi con người hiểu được bản thân mình với tất cả những giới hạn của mình và gặp được tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa giải thoát họ. Chính lương tâm là nơi tự do của con người ngự trị, là nơi ánh lửa thần linh tỏa sáng và là nơi con người đáp lại tiếng Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta.

9. Lương tâm con người không thể bị xâm phạm, và trước những điều làm mất phẩm giá của nó, con người có thể phản đối theo lương tâm. Khi đối diện với một luật buộc phải giết ai đó, người Kitô hữu có thể, theo lương tâm, không tuân theo luật đó vì việc lấy đi mạng sống của người khác cấu thành một cuộc tấn công vào sự sống, là một tặng phẩm của Thiên Chúa. Khi thua kiện vì công lý bị mua chuộc, Anphongsô đã từ bỏ nghề nghiệp của mình, bác bỏ loại công lý không xem xét hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức, nhưng bị bán và trở thành một thứ luật áp bức. Gương này của Anphongsô ngày nay nên được ghi nhớ để những người đối phó với công lý, lừa dối hoặc mua chuộc nó phải có lương tâm sám hối.

10. Anphongsô từng là một luật sư, là người đi thăm nhà thương của những người mắc bệnh nan y, là một linh mục, một người lao động giữa những người chăn chiên nghèo và là đấng sáng lập Hội Dòng. Ngài là một người nhạy cảm, một người thấy cần phải huấn luyện những con người đơn sơ này để họ nhận thức được giá trị và phẩm giá của chính mình và nhận ra rằng họ là hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (x. St 1,27) và đây là lý do tại sao Thiên Chúa yêu thương họ. Vì mục đích này, Anphongsô sử dụng tất cả nền đào tạo về văn hóa và thần học -linh đạo của mình để giúp con người hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Ngài viết, vẽ và sáng tác nhạc để làm cho mọi người nhận thức được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa.

11. Học thuyết linh đạo và luân lý của Thánh Anphongsô giúp chúng ta ý thức về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người. Đồng thời, ngài dạy chúng ta cách phân định thực tại của sự dữ trong xã hội của chúng ta, là thứ làm tê liệt lương tâm chúng ta và xâm phạm lương tâm từng chút một theo một cách rất tinh vi, xâm nhập vào hành động, gia đình và các thể chế xã hội của chúng ta. Lương tâm Kitô hữu là bất khả xâm phạm vì nó được bảo vệ bởi quyền năng của Tin Mừng, được thể hiện như một sứ điệp khôn ngoan để biện phân và ra quyết định.

12. Anphongsô sẽ nói gì khi nhìn thấy tình trạng công lý, chính trị và bất bình đẳng trong xã hội mà chúng ta đang sống? Ngài thúc đẩy chúng ta chống lại thực tại thường đã bắt đầu trở nên bình thường đối với chúng ta. Lời dạy của Anphongsô đưa chúng ta ra xa sự thờ ơ trước tham nhũng chính trị, bạo lực, bất công, chia rẽ Giáo Hội và tất cả những gì đe dọa phẩm giá con người. Anphongsô khích lệ chúng ta đi đến tận căn của bản thể mình, nhìn vào chính mình và hình thành một lương tâm phê phán, không cho phép các thế lực của sự dữ làm ô uế lương tâm chúng ta. Vì đó là nhà tạm bất khả xâm phạm, là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng cho mọi hành động của con người và ban cho con người sự khôn ngoan.

13. Trong năm dành riêng cho Đào tạo vì Sứ vụ này, điều quan trọng là tất cả chúng ta, cả các thành viên của Hội Dòng và các cộng sự giáo dân trong sứ vụ của chúng ta, phải đào sâu hiểu biết của mình về khía cạnh quan trọng này trong đời sống chúng ta. Anphongsô đã tận dụng tất cả nền đào tạo của mình và không bao giờ ngừng đào tạo bản thân vì sứ vụ ở giữa những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất. Ngày nay, mỗi người chúng ta phải tự đào tạo mình hầu có thể trao cho Dân Chúa chìa khóa để hiểu thực tại và nhận thức được phẩm giá của họ như Chúa muốn.

14. Xin Thánh Anphongsô và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chuyển cầu cho chúng ta trong nhiệm vụ khó khăn này là đào tạo lương tâm của chính chúng ta, để khiêm nhường, với tư cách là Những Thừa sai của Hy vọng, chúng ta có thể theo bước chân của Chúa Cứu Thế bằng cách trở thành ánh sáng cho trần gian (x. Communicanda 1/2024).

Tình huynh đệ trong Chúa Kitô Cứu Thế!

Rogério Gomes, C.Ss.R.

Bề Trên Tổng Quyền

(Theo: Scala News Link bài viết (tiếng Anh)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết