56.000 người thiệt mạng trong các cuộc bạo lực sắc tộc và tôn giáo ở Nigeria; các Kitô hữu bị ảnh hưởng không cân xứng

Hình ảnh này được trích từ video của AFPTV quay tại làng Maiyanga, thuộc chính quyền địa phương Bokkos, vào ngày 27 tháng 12 năm 2023, cho thấy cảnh các gia đình chôn cất người thân của họ trong một ngôi mộ tập thể bị giết trong các vụ tấn công chết người do các nhóm vũ trang thực hiện ở bang Plateau, miền trung Nigeria (Ảnh: KIM MASARA/AFPTV/AFP/ Getty Images)

Hình ảnh này được trích từ video của AFPTV quay tại làng Maiyanga, thuộc chính quyền địa phương Bokkos, vào ngày 27 tháng 12 năm 2023, cho thấy cảnh các gia đình chôn cất người thân của họ trong một ngôi mộ tập thể bị giết trong các vụ tấn công chết người do các nhóm vũ trang thực hiện ở bang Plateau, miền trung Nigeria (Ảnh: KIM MASARA/AFPTV/AFP/ Getty Images)

Một báo cáo mới đã phát hiện ra rằng bạo lực sắc tộc và tôn giáo ở Nigeria đã cướp đi sinh mạng của gần 56.000 người ở quốc gia Tây Phi này trong vòng 4 năm — và nạn nhân chủ yếu là các Kitô hữu.

Báo cáo do Đài quan sát Tự do Tôn giáo Châu Phi công bố đã phát hiện hơn 11.000 vụ bạo lực cực đoan từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 9 năm 2023. Bạo lực đã khiến 55.910 người thiệt mạng trong 9.970 vụ tấn công đẫ máu — cũng như 21.621 người bị bắt cóc trong 2.705 vụ tấn công.

Tổng số bao gồm cả thương vong của thường dân, thương vong của nhóm khủng bố và thương vong của Lực lượng vũ trang Nigeria. Trong tổng số các trường hợp thương vong, 30.880 là thường dân.

Trong số những người dân thường, ít nhất 16.769 Kitô hữu đã thiệt mạng, 6.235 tín đồ Hồi giáo đã thiệt mạng và 154 người theo các tôn giáo truyền thống của châu Phi đã bị giết hại. Tôn giáo của 7.722 nạn nhân không được xác định.

Tuy nhiên, sự mất mát tương ứng đối với các Kitô hữu, cao hơn nhiều ở các tiểu bang xảy ra các vụ tấn công. Về mặt dân số của tiểu bang, báo cáo phát hiện ra rằng các Kitô hữu có khả năng bị giết hại trong các vụ việc bạo lực cao hơn 6,5 lần. Tương tự như vậy, khi tính đến dân số của tiểu bang, các Kitô hữu có khả năng trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc cao hơn 5,1 lần.

“Hàng triệu người không được bảo vệ”, Frans Vierhout, một nhà phân tích cấp cao tại Đài quan sát Tự do Tôn giáo Châu Phi, cho biết trong một tuyên bố.

“Nhiều năm qua, chúng ta đã nghe nói về những lời kêu gọi giúp đỡ bị phớt lờ, khi bọn khủng bố tấn công các cộng đồng dễ bị tổn thương”, ông Vierhouti cho biết thêm. “Giờ đây dữ liệu sẽ tự kể câu chuyện của nó”.

Theo báo cáo, 81% vụ giết người dân thường là các vụ tấn công cộng đồng trên đất liền. Khoảng 42% trong số các vụ giết người đó được thực hiện bởi những người chăn gia súc Fulani có vũ trang mà các nhà nghiên cứu cho biết đã xâm chiếm các khu định cư nông nghiệp nhỏ của các Kitô hữu để giết hại, hãm hiếp, bắt cóc và đốt phá nhà cửa.

Theo dữ liệu, những người chăn gia súc Fulani, những người Hồi giáo Sunni, đã giết hại ít nhất 9.153 thường dân Kitô giáo và ít nhất 1.473 thường dân Hồi giáo trong các vụ tấn công cộng đồng. Tôn giáo của ít nhất 1.267 nạn nhân trong các vụ tấn công của những người chăn gia súc Fulani vẫn chưa được biết đến.

Khoảng 41% các vụ tấn công vào cộng đồng trên đất liền xuất phát từ nhiều nhóm khác nhau mà báo cáo phân loại là “các nhóm khủng bố khác”. Tuy nhiên, báo cáo nêu rằng nhóm “khác” có thể “bao gồm các nhóm của ‘những kẻ cướp Fulani’ khác nhau, những người cũng là một phần của Lực lượng dân quân sắc tộc Fulani… giống như Lực lượng chăn gia súc Fulani có vũ trang”.

Các nhóm khủng bố “khác” chịu trách nhiệm đối với 10.274 vụ giết người trong các vụ tấn công cộng đồng trên đất liền, bao gồm ít nhất 3.804 Kitô hữu và 2.919 tín đồ Hồi giáo. Tôn giáo của khoảng 3.503 nạn nhân không được biết đến.

Ít nhất 78 người đã thiệt mạng do các vụ tấn công của những người chăn nuôi Fulani và “các nhóm khủng bố khác” theo các tôn giáo truyền thống của châu Phi.

“Dân quân sắc tộc Fulani đang nhắm vào các cộng đồng Kitô giáo, trong khi người Hồi giáo cũng phải chịu đau khổ nghiêm trọng dưới tay họ”, Mục sư Gideon Para-Mallam, một nhà phân tích khác của Đài quan sát Tự do Tôn giáo Châu Phi, cho biết trong một tuyên bố.

“Những kẻ bắt cóc làm việc theo mục tiêu Hồi giáo”, Mục sư Para-Mallam cho biết thêm. “Nơi những phụ nữ trẻ bị bắt cóc, tra tấn và xâm hại tình dục, hy vọng về cuộc sống hôn nhân bình thường và gia đình, có thể tan biến”.

Các nhóm Hồi giáo Boko Haram và Nhà nước Hồi giáo Tây Phi đã thực hiện khoảng 11% các vụ tấn công cộng đồng. Boko Haram đã giết hại ít nhất 851 thường dân Kitô giáo và 491 người Hồi giáo trong các vụ tấn công như vậy, trong khi tôn giáo của 609 nạn nhân vẫn chưa được biết đến. Nhà nước Hồi giáo đã giết hại ít nhất 265 Kitô hữu và 127 tín đồ Hồi giáo, trong khi tôn giáo của 296 nạn nhân vẫn chưa được biết đến.

Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, nói với CNA rằng “con số người bị giết và bị bắt cóc quả thực hết sức kinh ngạc và tài liệu hiện không thể chối cãi được”.

“Những chiến binh Fulani đang tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo, một cuộc thánh chiến, chống lại các cộng đồng nông dân Kitô giáo không được bảo vệ ở nhiều vùng rộng lớn của Nigeria”, bà Shea lập luận. “Một điều không thể phủ nhận và gây sốc không kém là chính phủ Nigeria đã vô tư theo dõi và dung túng cho những vụ tấn công liên tục này trong nhiều năm trời. Mục tiêu của những chiến binh này là xóa sổ sự hiện diện của các Kitô hữu bằng cách giết người, cưỡng ép cải đạo sang Hồi giáo và đánh đuổi họ khỏi quê hương dường như được chính quyền ở Abuja [thủ đô của Nigeria] chia sẻ, nếu không thì họ sẽ hành động”.

Bà Shea đã chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) vì liên tục từ chối chỉ định Nigeria là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”, một danh sách theo dõi các quốc gia chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Nigeria lần đầu tiên bị đưa vào danh sách này vào năm 2020, năm cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nước này đã bị loại khỏi danh sách vào năm 2021, trong năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Báo cáo của DOS đổ lỗi cho tình trạng bạo lực ở Nigeria là do “xung đột giữa các cộng đồng” và việc cạnh tranh giành tài nguyên.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết