50 năm sau Công Đồng: cuộc khủng hoảng số lượng tu sĩ vẫn dai dẳng

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 24-09-2016 | 20:22:10

Trong giai đoạn 1965 – 2015, số nam tu sĩ giảm 39,58% (-130.545), số nữ tu sĩ giảm 44,61% (-428.828).

Mọi người đều biết rằng sau Công Đồng Vatican II, đời sống tu đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Nhưng những con số chi tiết trong năm mươi năm qua của đời sống tu trì trong Giáo Hội vẫn đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về sự tồn tại vững chắc của đời sống thánh hiến trong thiên niên kỷ thứ ba.

Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố kết thúc Công Đồng Vatican II vào năm 1965, đời sống tu sĩ cả nam lẫn nữ đều đang rất thịnh vượng. Số tu sĩ nam lên tới 329.799 vị; nữ tu lên đến gần một triệu người (961.264).

Đó là giai đoạn đời tu là sự minh chứng khá rõ nét cho tính phổ quát của Giáo Hội: các tu sĩ hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực sứ vụ của Hội Thánh trên toàn thế giới. Họ không sợ đối đầu với sự thù địch của các quốc gia thế tục; họ thể hiện sức thúc đẩy mạnh mẽ của sứ vụ và thực hiện các cuộc gặp gỡ với người dân địa phương. Châu Âu đã mất sự độc quyền về đời sống thánh hiến, trong khi ở châu Mỹ, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, số lượng tu phục và mạng che mặt ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thời gian thịnh vượng đã qua. Chưa đầy một thập kỷ sau đó, số nam tu sĩ giảm 18,51% (-61.053) trong khi số nữ tu giảm 9,72% (-93.491). Kể từ đó, sự suy giảm đã trở thành như thể một xu hướng không thể đảo ngược.

Việc đón nhận Công Đồng và sự suy giảm bắt đầu

Theo Cha Angel Pardilla (xem “La realtà della vita religiosa” – Thực tế đời tu), thảm kịch đã bắt đầu vào năm 1964. Cha Pardilla cho rằng lý do chính của sự suy giảm là việc tiếp nhận cách tiêu cực Công Đồng Vatican II, rằng chính sự “thiếu một căn tính tích cực rõ ràng” đã đặt đời sống thánh hiến vào cùng cấp độ (hoặc thậm chí thấp hơn) với các lựa chọn bậc sống khác. Từ quan điểm này, ông nói, việc đọc lại Công Đồng là rất quan trọng để có được “một nền mục vụ ơn gọi tốt hơn và một loại thuốc phòng ngừa hiệu quả hơn chống lại sự sụt giảm ơn gọi”.

Xét các dòng tu đang có mặt tại thời điểm đó và cả những dòng tu được thành lập vào những năm sau, từ 1965 đến 2015, số nam tu sĩ giảm 39,58% (-130.545). Mặc dù con số này cũng tương tự trong trường hợp các dòng nữ (-44,61%), nhưng tổng số nam tu sĩ giảm thì thấp hơn đáng kể so với tổng số nữ tu giảm, vốn lên đến gần nửa triệu người (-428.828).

Hơn nữa, xu hướng giảm là không như nhau giữa nam tu sĩ và nữ tu sĩ.

Tình hình của các dòng tu nam

Trong giai đoạn 1975-1985, số nam tu sĩ giảm 7,77% (-25.637), 4,58% trong những năm 1985-1995 (-15.129), 3,96% trong giai đoạn 1995-2005 (-13.077), tiếp theo là 4,74% trong những năm 2005- 2015 (-15.649).

Các tu hội giáo dân (không linh mục) giảm mạnh: con số đã giảm từ 49.002 vị xuống còn 16.378 vị (-66,63%) trong 50 năm. Để có một cái nhìn đầy đủ, nên biết rằng trong 40 năm đầu tiên sau Công Đồng, các tu hội giáo sĩ chỉ giảm 24,58%.

Năm 2015, trong số các dòng tu nam, Dòng Tên đứng đầu (16.740 vị) mặc dù nhân sự của họ giảm hơn một nửa kể từ năm 1965 (-53,54%); tiếp theo là Dòng Salêdiêng (15.270 vị, -30,72%), Dòng Anh em hèn mọn (13.632 vị, -49,52%), Dòng Capuchino (10.598 vị, -33,08%) và Dòng Biển Đức (6.970 vị, -42,25%).

Trong số ít các dòng tu gia tăng nhân sự trong vòng hơn hai mươi năm qua, có Dòng các Thừa sai Ngôi Lời (6.032 vị, + 4,48%) và Dòng Cát Minh Rất Thánh Vô Nhiễm (2.544 vị, +147,47%).

Các nữ tu và sự hồi sinh sau cuộc khủng hoảng

Tổng số nữ tu cao gấp gần bảy lần so với số nam tu sĩ.

Sự sụt giảm được ghi nhận trong ba thập kỷ đầu dần dần suy yếu, số giảm thấp nhất được ghi nhận là vào năm 1995 (-6,77%). Tuy nhiên, con số suy giảm lại vọt lên trở lại vào năm 2005 (-8,25%) với đỉnh điểm là vào năm 2015 (-10,53%).

Đáng chú ý là vào lúc kết thúc Công Đồng số các hội dòng có hơn một ngàn nữ tu là 240 hội dòng, nay giảm xuống còn 98 hội dòng. Về tổng số, 1.132 hội dòng có ít hơn 500 thành viên (chiếm 80%) và 418 hội dòng có ít hơn 100 thành viên (chiếm 30%).

Các dòng nữ đông thành viên nhất là Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn Phaolô (16.179, -64,08%), Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (13.057, -30,42%), Dòng Nữ Cát Minh (10.504, -5,15%), Nữ Phansinh Clara khó nghèo (7.168, +105,09%), Dòng Clara (6.686, -33,27%).

Hội Dòng phát triển nhiều nhất, cũng nhờ sự dấn thân mạnh mẽ và sức lôi cuốn mãnh liệt của Đấng sáng lập, là Dòng Nữ Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Teresa.

Thanh Tâm

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết