ĐTC Phanxicô sẽ đến Thái Lan vào ngày thứ Tư để thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên ở đây của người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã kể từ sau chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984. ĐTC Phanxicô chắc chắn sẽ đề cập đến một số mối bận tâm xã hội quan trọng mà Ngài thường nhấn mạnh, nhưng chuyến viếng thăm của Ngài chủ yếu là một sự cổ võ tinh thần đối với cộng đồng Công giáo.

Các tín hữu Công giáo đặt hoa dưới chân tượng Đức Mẹ tại Nhà thờ Chúa Kitô tại làng Songkhon, tỉnh Mukdahan ở đông bắc Thái Lan hôm thứ Sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2019. Có khoảng 388.000 người Công giáo ở Thái Lan, chiếm 0,58% trong tổng số 69 triệu dân của đất nước (Ảnh: Sakchai Lalit / AP)
BANGKOK – ĐTC Phanxicô sẽ đến Thái Lan vào ngày thứ Tư để thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên ở đây của người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã kể từ sau chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1984. Dưới đây là một số điều cần biết về chuyến viếng thăm và lịch sử của Giáo hội tại Thái Lan:
- Đó là một sự cổ võ tinh thần
ĐTC Phanxicô chắc chắn sẽ đề cập đến một số mối bận tâm xã hội quan trọng mà Ngài thường nhấn mạnh, nhưng chuyến viếng thăm của Ngài chủ yếu là một sự cổ võ tinh thần đối với cộng đồng Công giáo. Thông điệp video trước viếng thăm, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài sẽ gặp gỡ người Công giáo Thái Lan “để củng cố họ trong đức tin và sự đóng góp của họ đối với toàn xã hội. Họ là những người dân Thái Lan và họ phải nỗ lực làm việc cho quê hương đất nước của mình”. ĐTC Phanxicô cũng cho biết rằng Ngài muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại và hợp tác liên tôn, đặc biệt là trong việc phục vụ người nghèo và hòa bình.
- Giáo hội Công giáo có truyền thống lịch sử ở Thái Lan.
Các nhà truyền giáo Dòng Đa Minh được bảo trợ bởi người Bồ Đào Nha đã đến Thái Lan – sau đó được gọi là Xiêm – vào năm 1567, và Giáo hội đã thành lập một phái bộ truyền giáo chính thức vào năm 1669 dưới sự dẫn dắt của Hội Thừa Sai Paris, vốn đã trở thành sự hiện diện chính của Công giáo ở Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ.Giáo hội Công giáo bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ của Thái Lan và chủ nghĩa thực dân trong khu vực, đặc biệt là trong Thế chiến II, khi chính phủ quốc quyền chủ nghĩa tìm cách cải đạo tất cả người Thái sang Phật giáo. Các mối quan hệ hài hòa đã được thiết lập kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi vào năm 1946.
- Giáo hội Công giáo ngày nay
Đất nước chủ yếu là Phật giáo có khoảng 388.000 người Công giáo, chiếm 0,58% trong tổng số 69 triệu dân. Về cơ bản, có hai cộng đồng Công giáo ở Thái Lan: các cư dân thành thị của thủ đô có con cái hiện đang theo học tại các trường tư thục và cao đẳng uy tín do Giáo hội điều hành, và các thành viên thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số ở phía đông bắc và phía bắc. Nhiều cộng đồng Công giáo nông thôn bao gồm hậu duệ của những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc bách hại tại Việt Nam.
- Tâm điểm của ĐTC Phanxicô
ĐTC Phanxicô thường điều chỉnh những thông điệp của mình tùy từng địa điểm nơi mà Ngài sẽ đưa ra những bài phát biểu. ĐTC Phanxicô sẽ có bài phát biểu chia sẻ công khai trong hai Thánh lễ, một trong số đó được cử hành tại một sân vận động trước đám đông dự kiến 50.000 người, nơi mà Ngài sẽ nói về nạn buôn người và việc làm dụng bóc lột tình dục phụ nữ và trẻ em, cả hai đều là những vấn đề nhức nhới từ lâu trong khu vực. Vấn đề liên quan đến những người tị nạn cũng chính là một mối bận tâm liên quan khác mà ĐTC Phanxicô có thể sẽ đề cập.
Cha Bernardo Cervellera, tổng biên tập của dịch vụ tin tức Công giáo Asia News, cho biết ĐTC Phanxicô hoàng cũng có thể bày tỏ mối quan ngại về chủ nghĩa duy vật, một trong những chủ đề thường xuyên được đề cập của Ngài, và đồng thời thảo luận với các đối tác Phật giáo về vấn đề của sự tục hóa có liên quan.
- Các cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô
ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ Quốc vương Maha Vajiralongkorn, người là Hoàng tử khi ông chào đón Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến Tông du duy nhất trước đây tới Thái Lan vào năm 1984. ĐTC Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và người đứng đầu cộng đồng Phật giáo Thái Lan, Đại Hòa Thượng Somdet Phra Maha Muneewong Ariyavongsagatayana.
Các cuộc tiếp kiến riêng của ĐTC Phanxicô bao gồm cuộc gặp gỡ với 40 người bệnh nhân và một số người tàn tật tại Bệnh viện St. Louis tại Bangkok, cũng như cuộc gặp gỡ với các Tu Sĩ Dòng Tên hiện đang hoạt động tại Thái Lan. ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và coi những cuộc gặp gỡ như vậy trong các chuyến viếng thăm của mình là điều hết sức cần thiết.
Minh Tuệ (theo Crux)