400.000 người Đức rời bỏ Giáo hội Công giáo khi các cuộc đàm phán giữa Vatican và Con đường Công nghị tiếp tục

Nhà thờ Công giáo Limburg ở Hesse, Đức | Ảnh:  Mylius/ Wikimedia (GFDL 1.2)

Nhà thờ Công giáo Limburg ở Hesse, Đức | Ảnh: Mylius/ Wikimedia (GFDL 1.2)

Chỉ một ngày sau khi có tin hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo rời bỏ Giáo hội ở Đức vào năm 2023, Vatican đã gặp gỡ các đại diện của Con đường Công nghị Đức để thảo luận về các kế hoạch gây tranh cãi về một Hội đồng Thượng Hội đồng thường trực.

Cuộc họp hôm thứ Sáu đã dẫn đến việc Rôma yêu cầu phía Đức thay đổi tên của tổ chức và đồng ý rằng tổ chức này không thể có thẩm quyền trên – hoặc ngang bằng với – Hội đồng Giám mục, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Cuộc tụ họp diễn ra vào thời điểm quan trọng: Theo số liệu thống kê chính thức do Hội đồng Giám mục Đức công bố hôm thứ Năm, hơn 400.000 người đã chính thức rời bỏ Giáo hội vào năm 2023.

Mặc dù con số này thể hiện sự sụt giảm so với con số 522.000 người đã rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, nhưng xu hướng này vẫn đáng báo động đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng như các tín hữu Công giáo.

Hiện tại, có 20.345.872 tín hữu Công giáo đã đăng ký ở Đức. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, con số này có thể giảm xuống dưới 20 triệu vào năm 2024.

Hơn nữa, chỉ có 6,2% người Công giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ: Điều này có nghĩa là có khoảng 1,27 triệu người thực hành đức tin Công giáo ở một quốc gia có hơn 80 triệu dân, CNA Deutsch lưu ý.

Những con số chính thức mới cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể về số lượng người tham dự Thánh lễ trên khắp nước Đức.

Giáo phận Görlitz, giáp biên giới Ba Lan, dẫn đầu với tỷ lệ tham dự 13,9% mặc dù là Giáo phận nhỏ nhất với ít hơn 30.000 tín hữu Công giáo. Ngược lại, Giáo phận Aachen, trên sông Rhine ở Tây Đức, báo cáo chỉ có 4,2% người Công giáo thực hành đức tin thường xuyên.

Một so sánh 20 năm do Hội đồng Giám mục công bố đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về sự suy giảm của Giáo hội: Kể từ năm 2003, số tín hữu Công giáo đã giảm gần 6 triệu người, trong khi số người tham dự Thánh lễ Chúa nhật đã giảm mạnh từ 15,2% xuống 6,2%.

Số lượng Linh mục năng động cũng giảm, với 7.593 Linh mục mục vụ vào năm 2023, giảm so với 7.720 của năm trước. Việc truyền chức Linh mục đã giảm đáng kể, từ 45 tân Linh mục vào năm 2022 xuống chỉ còn 28 vị vào năm 2023.

Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc việc rời bỏ Giáo hội. Theo một nghiên cứu trước đó, các lý do rời bỏ Giáo hội rất khác nhau, trong đó những người lớn tuổi viện dẫn việc Giáo hội xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng và những người trẻ tuổi đề cập đến nghĩa vụ nộp thuế nhà thờ.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng việc rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây ra tranh cãi giữa các nhà thần học và các luật sư Giáo luật.

Các nhà khoa học tại Đại học Freiburg dự đoán vào năm 2019 rằng số lượng các Kitô hữu đóng thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.

‘Một hình thức cụ thể của tính Hiệp hành’

Cảnh báo về mối đe dọa của một cuộc ly giáo mới từ Đức, Vatican đã can thiệp ngay từ tháng 7 năm 2022 để chống lại kế hoạch thành lập Hội đồng Thượng Hội đồng của Đức.

Trong bối cảnh suy giảm nghiêm trọng và chia rẽ nội bộ đang diễn ra, Vatican đã tham gia vào một vòng thảo luận khác với các đại diện của Con đường Công nghị Đức vào thứ Sáu tuần trước.

Như CNA Deutsch đã đưa tin, cuộc họp vào ngày 28 tháng 6 có sự tham gia của các quan chức cấp cao của Vatican và đại diện của Hội đồng Giám mục Đức.

Về phía Vatican, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, và 4 vị Tổng Trưởng đã tham dự: Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandéz, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin; Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo; Đức Hồng Y Robert Prevost, Tổng Trưởng Bộ Giám mục; và Đức Hồng Y Arthur Roche, Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Tham gia cùng các với Hồng y còn có Đức Tổng Giám mục Filippo Iannone, Tổng Trưởng Bộ các Văn bản Luật.

Về phía Đức, các Đức Giám mục Georg Bätzing, Stephan Ackermann, Bertram Meier và Franz-Josef Overbeck đại diện cho Cn đường Công nghị Đức. Tham gia cùng họ có Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Beate Gilles và Giám đốc truyền thông Matthias Kopp.

Các cuộc đàm phán tập trung vào Hội đồng Thượng Hội đồng được đề xuất, ban đầu nhằm mục đích giám sát thường trực Giáo hội ở Đức nhưng đã bị Vatican bác bỏ.

Theo thông cáo báo chí chung, cả hai bên đều muốn “thay đổi tên và các khía cạnh khác nhau của dự thảo trước đó” đối với cơ quan gây tranh cãi. Cả hai bên cũng đồng ý rằng Hội đồng Thượng Hội đồng sẽ không “được đặt trên hoặc ngang bằng với Hội đồng Giám mục”.

Tuyên bố cho biết cuộc họp mang “bầu khí tích cực, cởi mở và mang tính xây dựng”, đồng thời bổ sung thêm các cuộc thảo luận tập trung vào việc cân bằng sứ vụ Giám mục với tinh thần đồng trách nhiệm của tất cả các tín hữu, nhấn mạnh các khía cạnh Giáo luật của việc thiết lập một “hình thức đồng nghị cụ thể”.

‘Ai thực sự đã đọc lá thư này?’

Cuộc đối thoại đang diễn ra có thể đánh dấu một bước quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Vatican và những người tổ chức Con đường Công nghị Đức, sau những can thiệp lặp đi lặp lại trước đây của Đức Thánh Cha PhanxicôVatican.

Cả hai bên đã đồng ý tiếp tục đàm phán sau khi kết thúc Thượng Hội đồng thế giới về Hiệp hành vào tháng 10, với các kế hoạch đề cập sâu hơn đến các chủ đề nhân học, Giáo hội học và phụng vụ.

Đây là một sự tiến triển đáng kể: Trong bối cảnh của cuộc rời bỏ Giáo hội đang diễn ra của các tín hữu, tin tức rằng tiến trình của Đức sẽ không chỉ phù hợp với Thượng Hội đồng về Hiệp hành ở Rôma đặt ra câu hỏi về mục đích tổng thể của điều đã được chứng minh là một cuộc diễn tập tốn kém của Đức.

Trong một thông điệp video được phát hành hôm thứ Bảy, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki Địa phận Cologne kêu gọi các tín hữu Công giáo Đức hãy nghiêm túc xem xét các mối quan ngại của Vatican. Đức Tổng Giám mục Woelki nhắc nhở các tín hữu rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “tất cả những gì ngài phải nói” trong một bức thư lịch sử gửi các tín hữu Công giáo Đức cách đây 5 năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô  với các Giám mục Công giáo Đức trong chuyến viếng thăm Ad limina vào ngày 20 tháng 11 năm 2015 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô với các Giám mục Công giáo Đức trong chuyến viếng thăm Ad limina vào ngày 20 tháng 11 năm 2015 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về sự mất đoàn kết trong bức thư dài 5.700 từ. Ngài cũng cảnh báo các tín hữu Công giáo Đức tránh “tội tục hóa và lối suy nghĩ thế tục đi ngược lại với Tin Mừng”.

Đức Hồng Y Woelki đã không biểu thị sự bất đồng nào trong video của mình. “Hãy thành thật mà nói: Ai đã thực sự đọc bức thư này?”, vị Giám chức người Đức hỏi thẳng thừng.

Lưu ý rằng Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu Công giáo Đức mang tinh thần truyền giáo, Đức Hồng Y Woelki nói: “Chúng ta nên thực hiện mong muốn được bày tỏ một cách cấp bách của ngài – vì lợi ích của chúng ta, nhưng cũng vì lợi ích của Giáo hội ở Đức, bởi vì chỉ khi đó Giáo hội mới có tương lai [ở đây]”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube