Khoảng 40 nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq đã quy tụ tại Beirut, Lebanon từ ngày 11 đến 13 tháng 12 năm 2017 để suy tư về vai trò của họ trong việc khôi phục sự gắn kết xã hội của đất nước, sau nhiều năm xung đột. Theo Thủ tướng Chính phủ lâm thời, đây là bước đầu tiên của quá trình tái thiết.
Suy tư của nhóm các nhà lãnh đạo này được thể hiện trong bốn trục chính: giáo dục, tôn giáo, hiến pháp và các khuôn khổ pháp lý. Trọng tâm: đẩy mạnh một dự án thống nhất quốc gia bằng cách xây dựng cộng đồng bao dung và đa dạng.
Do Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC) đứng ra quy tụ, các tham dự viên hội nghị đại diện cho sự đa dạng của bức tranh tôn giáo và dân tộc của Iraq. Đến từ các cộng đồng Shia, Sunni, Shabak, Sabean, Mandaean, Yezidi, Kaka’i và các cộng đồng Kitô giáo, 40 nhà lãnh đạo tôn giáo đã cam kết sẽ làm việc cùng nhau vì tương lai của đất nước.
Khuyến khích sự chấp nhận của người khác
Hội đồng Giáo hội Thế giới (World Council of Churches) tuyên bố trong một thông cáo báo chí vào ngày 15 tháng 12 năm 2017, rằng đây không chỉ là việc suy tư, mà còn là “sự chấp nhận lẫn nhau và hợp tác với nhau giữa những người tham gia”.
“Cuộc đối thoại này đã tăng cường việc đối thoại và sự tin tưởng giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện tại, và cho phép chúng tôi tương tác tích cực với nhau”, Sheikh Yousif Al-Nasery, Tổng thư ký của tổ chức các học giả tôn giáo Shura nói. Nó đưa chúng tôi đến gần nhau hơn, cung cấp cho nhân dân của chúng tôi một ví dụ tốt đẹp về sự cùng tồn tại và về đối thoại liên tôn. Khi chúng tôi đối thoại với nhau, chúng tôi khuyến khích sự chấp nhận người khác và công nhận những sai lầm. Đó là hai yếu tố cần thiết cho việc xây dựng một nhà nước dân sự bình thường ở Iraq “, ông nói thêm.
Các cội rễ tôn giáo của các cuộc xung đột
Những người tham gia hội nghị cũng giải quyết một vấn đề tế nhị: nguồn gốc của các cuộc xung đột đang tàn phá đất nước.
Tiến sĩ Khaled al Mulla, một giáo sĩ người Hồi giáo Sunni ở Baghdad, người đứng đầu Hiệp hội Học giả Iraq và là thành viên của Liên minh Quốc gia Iraq, nói: “Chúng ta không được phủ nhận rằng một số hành động bạo lực mà chúng ta chứng kiến ở đất nước chúng ta có nguồn gốc từ tôn giáo và các văn bản tôn giáo.”
Theo ông, điều cần thiết là “chấp nhận thực tế này” và sau đó “tìm kiếm các biện pháp khắc phục”. Trong đó: “Phát huy các cách đọc tích cực các văn bản tôn giáo của chúng ta, trình bày các bài diễn thuyết tôn giáo vừa phải trong các bài giảng của chúng ta, đào tạo các giáo sĩ biết chấp nhận sự đa dạng và sự bao dung tôn giáo”.
Bước đầu tiên
Waheed Mandoo Hammo, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Ezidikhan ở Irac và đại diện của cộng đồng Yazidi, coi hội nghị là bước đầu tiên trong quá trình tái thiết rộng lớn hơn. Cuộc gặp gỡ này mang lại “không gian cho đối thoại chân thành, nhưng cũng để chia sẻ nỗi đau và bày tỏ mối lo ngại và trình bày những bân tâm về tương lai”.
Việc suy tư sẽ phải được tiếp tục. Đức Tổng Giám mục Avak Assadourian, lãnh đạo Giáo phận của những người Armeni tại Iraq và Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Irac, cho biết: “Chúng ta đều biết căn bệnh, nhưng không ai tìm ra phương thuốc cho những căn bệnh này.” Đó là lý do tại sao tôi muốn chúng tôi có nhiều thời gian hơn để làm việc theo các nhóm nhỏ để giải quyết các vấn đề đã đưa ra trước hội nghị này. “
Một mong muốn được lặp lại trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Tuyên bố này cũng kêu gọi xây dựng một kế hoạch hành động để giải quyết những thách thức mà các tham dự viên đã xác định.
Vũ Hùng (theo Cath.ch)