10 năm sau cuộc xâm lược của ISIS, các Kitô hữu ở Iraq được trao ‘dấu chỉ của niềm hy vọng’

Đức Thượng phụ Chaldean Louis Sako chào thăm anh chị em giáo dân sau Thánh lễ ở Baghdad, Iraq, Thứ Sáu ngày 12 tháng 4 năm 2024 (Ảnh: Ali Jabar/AP)

Đức Thượng phụ Chaldean Louis Sako chào thăm anh chị em giáo dân sau Thánh lễ ở Baghdad, Iraq, Thứ Sáu ngày 12 tháng 4 năm 2024 (Ảnh: Ali Jabar/AP)

Khi Đồng bằng Nineveh của Iraq đánh dấu kỷ niệm 10 năm cuộc xâm lược của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (ISIS), cộng đồng Kitô giáo tiếp tục sống với sự tổn thương của sự kiện bi thảm này.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của nhóm Hồi giáo nhằm tiêu diệt các Kitô hữu, họ đang dần xây dựng lại sự hiện diện của mình trong khu vực.

“Không từ ngữ nào có thể diễn tả được những gì chúng tôi đã trải qua cách đây 10 năm trước, ISIS đã nỗ lực tiêu diệt chúng tôi, nhưng họ đã thất bại”, Đức Tổng Giám mục Công giáo Nizar Semaan nghi lễ Syriac Địa phận Adiabene ở miền Bắc Iraq cho biết.

“Người dân ở đây giống như những cây ô liu. Bạn có thể chặt hạ, đốt cháy, nhưng sau 10 hoặc 20 năm chúng sẽ lại tiếp tục ra quả. Họ đã thử mọi cách, nhưng chúng tôi vẫn ở lại, và với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi làm mọi thứ để mang lại dấu chỉ của niềm hy vọng”, Đức Tổng Giám mục Semaan nói trong một hội nghị trực tuyến do tổ chức từ thiện Công giáo quốc tế mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) tổ chức.

Đức Tổng Giám mục Bashar Warda nghi lễ Chaldean Địa phận Erbil đã phát biểu tại hội nghị về mối đe dọa hiện tại của một cuộc xung đột khu vực liên quan đến Israel, Hamas, Lebanon và có lẽ ngay cả Iran có các Kitô hữu ở Trung Đông đang ở trong tình trạng nguy hiểm.

“Sự căng thẳng giữa một số bên đang ở mức cao, rất cao và nó mang lại ấn tượng rằng điều gì đó có thể xảy ra mà bạn phải cẩn thận và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng hiện tại chúng tôi chưa thấy cuộc xung đột đó trở nên bạo lực”, vị Giám chức nói.

Đức Tổng Giám mục Semaan cho biết mặc dù bản thân IS không còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cộng đồng Kitô giáo nhưng căng thẳng tôn giáo vẫn còn đó.

“ISIS không muốn chúng tôi cũng như những người Hồi giáo Shia ở đây. Vấn đề với Iraq là chúng ta đang cố gắng tạo ra những hòn đảo biệt lập cho mỗi cộng đồng, không có cuộc sống chung. Điều này thật nguy hiểm. Bạn có thể sống ở bất cứ đâu bạn muốn, bạn có thể tự hào về bản sắc của mình, nhưng đừng đóng cửa hòn đảo của mình với người khác”, Đức Tổng Giám mục Semaan nói.

“Có hai cách để thoát khỏi não trạng này: Thứ nhất, chúng ta phải tập trung vào giáo dục, không chỉ với các trường học Kitô giáo, mà chúng ta còn phải gây áp lực lên chính phủ để có một hệ thống giáo dục ôn hòa nhằm khuyến khích mọi người tôn trọng người khác. Cách thứ hai là xây dựng một hiến pháp dựa trên tính nhân văn chứ không phải tôn giáo. Điều này sẽ giúp các Kitô hữu ở lại Iraq, thoát khỏi nỗi sợ hãi này. Chúng tôi luôn sợ hãi. Bất cứ điều gì xảy ra xung quanh chúng tôi, Lebanon, Gaza, bất cứ nơi nào, các Kitô hữu luôn bị ảnh hưởng”, Đức Tổng Giám mục Semaan nói.

Đức Tổng Giám mục Warda đã phát biểu tại hội nghị rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Iraq đang cố gắng chấm dứt thái độ này và đồng thời cho biết các Kitô hữu – những người được quốc tế giúp đỡ – đã được yêu cầu cung cấp viện trợ cho người Hồi giáo và người Yezidis trong các trại tị nạn.

 “Sau khi đánh bại ISIS, chúng tôi đã thành lập Chương trình Học bổng Giáo hoàng Phanxicô và chúng tôi đã hỏi ACN liệu chúng tôi có thể tiếp nhận những người Yezidis và những người Hồi giáo đang rất cần giúp đỡ hay không. Tôi tin rằng chúng ta truyền giáo bằng cách chia sẻ điều tốt đẹp này với mọi người, bằng cách cho họ thấy Tin Mừng của tình liên đới. Chúng tôi để họ hít thở Chúa Kitô qua những việc làm nhân ái mà chúng tôi chia sẻ với họ”, Đức Tổng Giám mục Warda nói.

Các dự án xây dựng lại do ACN tài trợ, mà c cho biết đã mang lại kết quả tích cực trong việc đảm bảo an toàn cho các Kitô hữu.

“Năm 2014, chúng tôi có 13.200 gia đình được ghi nhận, 11.000 gia đình trong số này ở lại; 9.000 người trong số đó sau đó đã quay trở lại Nineveh. Đây là điều đáng để biết ơn. 2.000 người còn lại chắc chắn đã đến Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đi về phía Tây”, Đức Tổng Giám mục Warda nói.

Đức Tổng Giám mục Semaan lưu ý rằng chỉ một nửa số Kitô hữu ở Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo lớn nhất ở Iraq, ở lại sau khi IS chiếm đóng.

“Trước ISIS, chúng tôi có 50.000 người ở Qaraqosh, và hiện tại chúng tôi có thể có 25.000 người”, Đức Tổng Giám mục Semaan phát biểu tại hội nghị.

 Hai vị Tổng Giám mục phát biểu tại hội nghị rằng bất kể những khó khăn và gian khổ mà các Kitô hữu ở Iraq phải đối mặt, đức tin và tình yêu của họ đối với Giáo hội không bao giờ là vấn đề tranh chấp.

“Khi chúng tôi tổ chức các khóa học thần học cho những người trẻ di tản để nghiên cứu và suy ngẫm về đức tin của mình, đã có hơn 300 người đăng ký. Bạn phải hiểu rằng người dân rất gắn bó với Giáo hội, khi họ gặp vấn đề với cảnh sát, hoặc vấn đề y tế, họ không đến gặp các quan chức dân cử, hay với các đảng phái chính trị, họ đến với vị Giám mục”, Đức Đức Tổng Giám mục Warda nói.

 “Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích các bạn hãy giúp đỡ Giáo hội về mặt mục vụ, bởi vì nếu Giáo hội mạnh mẽ thì cộng đồng sẽ tồn tại. Nếu vị Linh mục rời đi, cộng đoàn cũng sẽ rời đi. Các gia đình ở lại khi nhìn thấy vị Mục tử cùng đồng hành với họ. Ở Iraq này, bất kể gia đình nào gặp chuyện gì, họ đều đến Nhà thờ, không có lịch trình, mọi người sẽ gọi bất cứ lúc nào và vị Linh mục sẽ trả lời. Bạn không thể nói rằng đây chỉ là một trung tâm tâm linh dành cho việc cử hành Thánh lễ và việc cầu nguyện, mọi thứ đều có liên quan”, Đức Đức Tổng Giám mục Warda giải thích.

Michael Kelly, Giám đốc Quan hệ Công chúng của văn phòng Viện trợ các Giáo hội Đau khổ của Ireland, cho biết dịp kỷ niệm 10 năm ISIS xâm chiếm Iraq “thật đáng để suy nghĩ về những thách thức mà cộng đồng Kitô giáo ở đó vẫn đang phải đối mặt”.

“Trong khi ISIS không còn nữa, người dân Iraq vẫn tiếp tục sống với nỗi đau của những trải nghiệm khủng khiếp đó. Thật đáng khích lệ khi hàng ngàn Kitô hữu đã trở về những ngôi nhà ở Đồng bằng Nineveh được xây dựng lại với sự giúp đỡ của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ”, ông Kelly nói với Crux.

“Điều gây cảm hứng là tình yêu sâu sắc mà các Kitô hữu Iraq dành cho Đức tin cũng như các Linh mục và Giám mục của họ. Chứng tá của các Linh mục và Giám mục luôn sẵn sàng phục vụ người dân của họ thực sự tuyệt vời – một tấm gương cao đẹp về các Mục tử với điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả là ‘mùi của chiên’”, ông Kelly nói.

“Khi ISIS đến, chúng tôi lo sợ rằng điều này sẽ khiến các Kitô hữu phải rời bỏ quê hương của họ mãi mãi. Thật tuyệt vời khi khoảng một nửa số người di tản đã quay trở lại, nhưng điều quan trọng cần nhớ là một nửa số Kitô hữu từ Đồng bằng Nineveh vẫn chưa trở lại”, ông Kelly nói.

Regina Lynch, Chủ tịch Điều hành Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ Quốc tế, phát biểu với Crux rằng sau cuộc xâm lược của ISIS, các Kitô hữu đã chạy trốn đến khu vực Kurdistan của Iraq, “nơi mà ít nhất họ được an toàn, nhưng hầu hết trong số họ đều không có tên tuổi”.

“ACN là tổ chức quốc tế đầu tiên hỗ trợ họ. Trong những năm tiếp theo, trước tiên chúng tôi giúp đảm bảo các nhu cầu cơ bản của những người di tản, sau đó là nhà ở và cuối cùng là xây dựng lại nhà cửa của họ, để những người muốn quay trở lại thị trấn và làng mạc của họ có thể làm như vậy sau khi IS bị đẩy lùi”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết