Thần Khí Thiên Chúa Tình Yêu và Sự Sống

Thay vì là sự thánh đốt cháy bọn nhơ uế và các uế nhơ của toàn dân như Gioan Tẩy giả loan báo, sự thánh lại là hình ảnh tình mến sôi bỏng và Hội Thánh xin Ngài đến đầy lòng tín hữu

Thần Khí Tình Yêu20161228-than-khi-thien-chua

Hiệp thông hay tình yêu là khía cạnh xác định đúng nhất về Thần khí, là khía cạnh giúp ta đạt chóp đỉnh học thuyết về Thần khí. Vì Thần khí quyền năng, vinh quang, thánh thiện chỉ xuất hiện trong ánh sáng chân minh, mầu nhiệm nhất khi Ngài hé lộ như sự hiệp thông toàn ven và lòng mến siêu vời.

  1. Sự đồng nhất giữa Thần khí và tình yêu.

– Chỉ được chứng thực cách gián tiếp và ám tàng ở câu Rm 5, 5: “Với tình yêu Thiên Chúa được tràn đổ trong lòng ta bởi Thần khí được ban cho ta”. Có lẽ vì nói đến tình yêu là điều quá tế nhị, Thiên Chúa dè dặt khi phải sẻ chia thâm cung mầu nhiệm của Người.

– Tuy chỉ được diễn tả một lần ấy, sự đồng nhất giữa Thần khí và tình yêu lại được gợi ý cùng khắp.

+ Trong thư Phaolô có đầy dãy những công thức “trong Thần khí” và “trong lòng mến” và hai công thức đó hoàn toàn nghe như đồng nghĩa với nhau (Rm 8, 4. Tp 5, 2. Rm 15, 16. Tp 1, 4. Rm 5, 5. 2 C 1, 22).

+ Thần khí là một mãnh lực di chuyển ở tận điểm thẩm sâu nơi con người được thai nghén cho tình yêu (Rm 5, 5. 2C 1,22) ở đó Thần khí chống lại xác thịt và các hoa quả của nó (thù hận, ghen tương Ga 5, 19t).

Hoa quả đầu tiên của Thần khí là lòng mộ mến kèm theo hoan lạc, bình an (Ga 5, 22). Thần khí ban đức mến là nhân đức thời cánh chung. Thần khí cũng là gia nghiệp thời cánh chung, là tất cả sự chúc lành thời thiên sai. (Ga 3, 14).

+ Chẳng những trổ hoa đức mến, chính Thần khí cũng là hoa quả Thiên Chúa sản xuất cho loài người. Thần khí chín đỏ trên cây Thập tự, trào ra từ cạnh sườn Đức Giêsu, trở nên hiện thân cụ thể của ân huệ là tình yêu Thiên Chúa. Thần khí được gọi là “ân huệ Đấng tối cao”.

– Qua biến cố Phục sinh, Thần khí lộ ra là tình yêu hơn: Phaolô thấy Đức Kitô là “Thần khí ban sự sống” (1C 15, 45) nghĩa là một con người chỉ chuyên thông ban chính mình để gây hiệp thông và làm cho sống. Nhờ Đức Kitô ấy, và trong sự hiệp thông với Ngài, trong sự sung mãn Thần khí. Giao ước mới được có nền móng.

– Nhiều người được Thần khí đúc kết nên một (1C 12, 13. Ep 4, 4) như tình yêu hợp nhất vợ chồng thành một thân xác. Thần khí là tình yêu, lời thỏ thẻ của Ngài đan chen với lời Hội Thánh xin Đức Kitô hãy đến. (Kh 22, 17)

Thần khí tình yêu đổi nghĩa các thuộc tính của Ngài.

Vì Thần khí là tình yêu, các thuộc tính của Ngài đều có sắc thái nghich lý:

– Quyền lực

+ Vốn tàn nhẫn trong tay loài người, quyền lực lại trở thành sức mạnh trẻ thơ, vô tội, không vấy máu nạn nhân nào, ngoại trừ máu của chính Đấng toàn quyền chiến thắng.

+ Chiên Con lãnh nhận quyền năng chính khi hiến tế mình (Kh 5, 12).

+ Bởi đó quyền năng khác ta nghĩ hoàn toàn: nó có xuất xứ thần linh và bộc hiện trong yếu đuối (2C 12, 9).

– Sự thánh

+ Không giam hãm trong sự siêu vời không ai đụng chạm được, mà trái lại giúp Thiên Chúa hòa trộn với tạo thành, đẩy Thiên Chúa vào thân phận nhập thể.

+ Thay vì là sự thánh đốt cháy bọn nhơ uế và các uế nhơ của toàn dân như Gioan Tẩy giả loan báo, sự thánh lại là hình ảnh tình mến sôi bỏng và Hội Thánh xin Ngài đến đầy lòng tín hữu.

– Vinh quang

+ Thay vì là quyền năng oai nghi, sự thánh chói lòa, trước hết vinh quang lại là tình yêu tràn đổ. Thiên Chúa vinh hiển là do tình yêu khiêm nhu của Người.

+ Trong Tân ước, nó còn cụ thể hơn đám mây đầy anh sáng của Cựu ước: nó biểu hiện ngay trong bản thân Con Cha, được Cha cưu mang và phó nộp vì loài người, trong Thần khí.

– Từ nay có định lý Thần học: Thiên Chúa hành động vì vinh quang mình nghĩa là Thiên Chúa hành động để ban hiến mình, vì lợi ích của thọ tạo. Bởi lẽ “vinh quang Thiên Chúa, đó là con người sống”.

Thần Khí Sự Sống

(Khi phục sinh Đức Giêsu nhận quyền năng, sức lực – Sức lực mà con người sử dụng thường là để hăm dọa và tàn sát. Nhưng tình yêu lại làm cho sống và khi tình yêu toàn năng, nó xóa bỏ chết chóc)

Với biến cố vượt qua, Thiên Chúa đổ tràn Thần khí, dồn dốc hết quyền lực Thần khí để sinh hạ Con, Thiên Chúa phú cho Đức Giêsu sự viên mãn Thần khí, Và Ngài thức dậy trong nguồn sống muôn đời, vô hạn.

Trong Con là Trưởng Tử, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ qua hành động sung mãn của Thần khí. Đấng là nguồn mạch phổ quát sự hữu và sự sống:

– Cùng với lời Thiên Chúa, Thần khí tham gia việc tạo thành.

– Được sáng tạo trong Thần khí, trần gian này phải có linh hồn, phải là một thế giới sống, nó luôn sống động, ca hát, vỗ tay, ngợi khen Thiên Chúa (theo quan niệm Kinh Thánh). Theo Thánh Phaolô, nó có khát vọng được chia sẻ sự sống của con cái Thiên Chúa. Việc tạo thành đã là một lễ Hiện xuống, đã là việc tràn đổ Thần khí sự sống thường xuyên và tiền ứng.

– Vì Thần khí là sáng tạo và sự sống, lời hứa của Ngài là một hy vọng thời Thiên sai, là một hy vọng cho Israel và tín hữu. “Ta sẽ đặt Hơi thở Ta trong các ngươi và các ngươi sẽ sống” (Ez 37, 1-14).

Từ thời Lưu đày, sống giữa vùng đất cháy bỏng, người ta nghĩ ra một hình ảnh mới về Thần khí: đó là nước.

– Nước trở nên ơn huệ đặc biệt Chúa ban, nó là biểu tượng sự sống.

– Ơn huệ Thần khí được loan báo là nguồn nước dồi dào, nước thần thiêng, từ đó có các công thức “đổ tràn, tuôn rải Thần khí”.

– Thần khí không được so sánh với giòng nước dữ tợn của biển cả, với mãnh lực đe dọa, nạt nộ, mà với mạch suối hiền hòa, cơn mưa nhuần thấm làm tốt tươi, với năng lượng sự sống, với ân sủng Thiện Chúa đổ chan hòa vào thời cứu độ.

– Xưa kia, qua các lần tỏ hiện, Thần khí chỉ “nhào xuống” “trùm vào” con người, nay Ngài thấm sâu vào trong con người (Ez 36, 27).

Tân ước nói đến việc tín hữu “uống Thần khí cho đã” (IC 12, 13, 10, 4) vì đặc điểm của thời Tân ước được mở ra từ cuộc Phục sinh của Đức Giêsu trong Thần khí là Thần khí được tuôn trào trong cõi lòng con người.

          Ý nghĩa chủ chốt của đoạn này: Đức Giêsu sống lại trong nguồn sống vô tân là Thần khí và ta được nhận Thần khí sự sống vào cõi lòng cách dư dật như uống nước cho đã.

Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.

trong “Thần Khí Thánh của Thiên Chúa”

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết